Hôm nay ngày 09/11/2024 tại Thiền Viện Phước Sơn tỉnh Đồng Nai, ngài thiền sư Kyunpin (ngài U Jaṭila) giảng Pháp. Hôm nay ngài giảng bài kinh Bījasutta – bài kinh Hạt Giống thuộc Tương Ưng Bộ Kinh.
Bản dịch Việt sau đây do sư cô Diệu Pháp dịch từ tiếng Pāḷi.
Này các Tỳ Khưu, giống như các loại hạt giống và cây muốn lớn lên và tăng trưởng đều phải dựa vào đất, cũng như vậy, Tỳ Khưu vun bồi, phát triển 8 điều đúng – tức là Bát Chánh Đạo – dựa trên nền tảng giới đức, và nhờ đó các tâm thiện lành tăng trưởng lớn mạnh.
Và Tỳ Khưu thực hiện điều này như thế nào? Ở đây, này các Tỳ Khưu, vị Tỳ Khưu phát triển, vun bồi sự thấy đúng (Chánh Kiến), suy nghĩ đúng (Chánh Tư Duy), nói lời đúng (Chánh Ngữ), làm việc đúng (Chánh Nghiệp), nuôi sống đúng (Chánh Mạng), nỗ lực đúng (Chánh Tinh Tấn), quan sát đúng (Chánh Niệm), định tâm đúng (Chánh Định) dựa trên việc ẩn cư và xa lìa tham ái, nhờ đó có được sự ngưng nghỉ và giải thoát. Này các Tỳ Khưu, bằng vào cách như vậy, vị Tỳ Khưu dựa vào giới đức mà vun bồi 8 điều đúng, và nhờ đó mà các tâm thiện lành được tăng trưởng, lớn mạnh.
Ban sơ tâm rất trong sáng, nhưng khi mà chúng ta lớn lên, nghe nhiều, thấy nhiều nhưng không biết cách quan sát cho nên tham, sân, si tăng trưởng, bực bội, buồn phiền, ác ý, khó chịu tăng trưởng, tức là các tâm bất thiện tăng trưởng. Trong kinh điển Pāḷi Đức Phật có phân loại thành tâm thiện lành và tâm bất thiện. Tâm thiện lành có 4 loại, thứ nhất là khi chúng ta giữ giới, bố thí, hành thiền, khi chết đi tái sinh lên cõi trời. Hoặc khi chúng ta hành thiền đạt được tầng thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, ví dụ như khi chúng ta hành thiền định chả hạn, đạt được các tầng thiền thì chúng ta có thể tái sinh lên cõi trời vô sắc. Tiếp theo là tâm siêu thế, khi có tâm siêu thế tức là mình đã cắt được các tâm bất thiện, ví dụ như là tâm của bậc Thánh Tu-đà-hoàn không còn phải đi xuống cõi ác, khi tái sinh được tái sinh lên cõi thiện lành. Còn với các tâm thiện lành khác, mặc dù khi chết có thể tái sinh lên cõi thiện lành nhưng khi hết phước rồi, vẫn có thể lại đi xuống cõi xấu ác.
Để có được tâm siêu thế này, chúng ta bắt đầu bằng việc bố thí, giữ giới, hành thiền, thực hành Bát Chánh Đạo, phát triển 8 điều đúng là thấy đúng, suy nghĩ đúng, nói lời đúng, làm việc đúng, nuôi sống đúng, nỗ lực đúng, quan sát đúng, định tâm đúng (Chánh Kiến – Chánh Tư Duy – Chánh Ngữ - Chánh Nghiệp – Chánh Mạng – Chánh Tinh Tấn – Chánh Niệm – Chánh Định). Về Chánh Kiến, ở đây nói đến đức tin, niềm tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Các thiền sinh ở đây tin rằng khi làm điều tốt lành thì mình sẽ gặt được quả tốt lành, khi mình làm điều xấu ác mình sẽ gặt được quả xấu ác. Khi mình có đức tin như vậy, thì mình muốn làm những điều tốt lành nhiều hơn. Như vậy, khi mình tin vào nghiệp và quả của nghiệp, mình đến đây mình thực hành Bát Chánh Đạo, thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.
Thỉnh thoảng Ngài cũng nhắc nhở các thiền sinh việc hành thiền không phải là để kiếm tiền, chúng ta rèn luyện để tâm trở nên tốt hơn, để các tâm xấu độc giảm đi, chính vì vậy bất kỳ ai đánh giá cao cách thức này, muốn rèn luyện tâm thì chúng ta đến đây hành thiền vipassanā để giảm bớt các tâm xấu độc, phát triển các tâm thiện lành. Chúng ta thực hành theo cách như vậy.
Trong kinh điển Pāḷi có nói rằng khi chúng ta hành thiền vipassanā thì trước tiên chúng ta có thể cắt các phiền não một cách tạm thời, sau đó có thể cắt được vĩnh viễn. Khi chúng ta mới cắt được các phiền não tạm thời thì đôi khi các phiền não này có thể quay trở lại, nhưng khi mà chúng ta đã phát triển tâm siêu thế đến 1 mức độ nào đó, thì chúng ta có thể cắt được tham, sân, si vĩnh viễn. Khi thấy Pháp đến 1 mức độ nào đó thì tham, sân, si được cắt vĩnh viễn, không quay trở lại nữa, và cả cuộc đời còn lại không còn thấy tham, sân, si. Cũng như vậy, khi chúng ta cắt được hoài nghi, thì hoài nghi không bao giờ quay trở lại nữa, cắt được ngã mạn, không yên thì các tâm này không còn quay trở lại trong cuộc đời này nữa, không còn tham, sân, không còn hoài nghi, không thấy sai, không ngã mạn, không thấy bất an. Việc cắt được phiền não ở mức độ nào là tùy thuộc vào sự tiến bộ của thiền sinh.
Để cắt được phiền não cần thấy đúng, hiểu đúng, nếu không thấy đúng, hiểu đúng thì chúng ta không thể nào cắt được phiền não, không thể nào loại trừ được. Thông thường trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường cho rằng người khác làm cho mình khổ, chồng tôi, vợ tôi, cha mẹ tôi làm cho tôi khổ, tôi bực, anh chị tôi, em tôi làm cho tôi bực, tôi khổ. Nhưng khi chúng ta học Pháp, học lời Phật dạy thì nguyên nhân của sự bực bội, buồn phiền, lo lắng, đau khổ là do những phiền não, do những tham, sân, si chứ không phải do ai đó làm cho mình bực bội, buồn phiền, lo lắng, đau khổ cả.
----
Thiền Viện Phước Sơn - Đồng Nai (7/11/2024 - 19/12/2024)