Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần", nên sau cung điện phải là lăng mộ.
Cả vùng đồi núi chập chùng phía nam và tây nam Huế kéo dài trên 16km có sông Hương len lỏi uốn khúc là khu lăng tẩm các vua nhà Nguyễn. Dựa theo thuyết phong thủy, mỗi lăng xây trên một quả đồi lớn, nhưng toàn bộ chiếm cả một quần thể đồi núi: Có núi án ở mặt trước làm bình phong, có núi chắn ở hai bên làm tay ngai, và ngay trước khu lăng tẩm phải có ngòi lạch chảy lượn "chi huyền thủy" từ trái sang phải. Cả vùng rộng lớn trong mỗi cảnh lăng được gọi là "quan phòng" coi như rừng cấm. Ngay chỉ khu vực lăng và tẩm cũng có chu vi dài hàng nghìn mét. Quy mô mỗi lăng tẩm rất rõ ràng, chiếm cả một vùng đồi rộng, bố cục mặt bằng rất có ý nghĩa, đặc biệt tấm bia ngay từ cái tên "Thánh Đức Thần Công" cho đến kích thước cao quá to cỡ đã thể hiện sự chuyên chế của phong kiến nhà Nguyễn. Điển hình cho các lăng tẩm ở Huế là lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và lăng Khải Định. Dựa trên mặt bằng, có thể chia ra 3 dạng:
Dạng thứ nhất là lăng Gia Long và lăng Thiệu Trị: hai khu lăng và tẩm tách riêng ra thành hai tiểu khuôn viên đặt sóng đôi cùng nhìn về một hướng. Trục chính toàn khu lấy theo trục của lăng, song mỗi bên lăng và bên tẩm thì bố trí theo trục dọc chạy hút về sau với chiều sâu vừa phải, hai nữa đăng đối nhau. Bên lăng có Bái đình gồm nhiều cấp sân lên cao dần, ngay ở cấp sân đầu có hai dãy tượng voi, ngựa -- quan văn -- quan võ đứng hai mép sân quay mặt vào nhau, cao to gần bằng người và thú. Tận cùng Bửu thành trong có mộ Vua. Khu lăng còn bao gồm Bi đình và hai trụ để biểu dương công đức và uy lực nhà Vua. Ở lăng Gia Long, Bi đình và trụ biểu đều ở gần trước Bửu thành. Tường la thành thấp với bên ngoài, vừa gợi mở vừa báo trước, mới mà không xa lạ. Bên lăng chủ yếu là điện thờ, theo lối kiến trúc điện Thái Hòa nhưng nhỏ hơn, trong có bài vị, án thờ và các đồ ngự dụng lúc bình sinh.
Dạng thứ hai là lăng Minh Mạng và lăng Khải Định: cả lăng và tẩm bố trí trên cùng một trục dọc, tạo một độ sâu hun hút. Ở lăng Minh Mạng trong sự đăng đối nghiêm ngặt, các độ cao thấp cứ lên xuống nhịp nhàng, ngắt ra từng quãng, tất cả trên ba mươi công trình lớn nhỏ, không báo trước luôn đổi mới bất ngờ đến ngỡ ngàng, khu tẩm lọt giữa khu lăng, ngay từ đầu đã gặp Bái đình mênh mông với hai dãy tượng trang nghiêm, rồi Bi đình trên nền cai đột khởi. Còn nhiều điểm cao, lại nhiều khu trũng cứ đối nhau để tôn nhau mạnh mẽ. Còn ở lăng Khải Định cứ bề thế trườn lên dần, từng khu lồ lộ không cây cối, lớp lang rõ ràng, và cuối cùng dồn dập nào bốn hàng tượng, hai trụ biểu và Bi đình, để rồi chế ngự bởi điện Khải Thành vừa là chỗ thờ, chỗ đặt tượng và chôn thi hài.
Dạng thứ ba là lăng Tự Đức: vẫn hai khu lăng và tẩm đặt cạnh nhau nhưng so le và xen kẽ, nhiều công trình dành cho người sống. Trong lăng đường cái uốn lượn cứ vòng vèo lả lướt, tất cả như một công viên lớn, có chỗ chơi dạo, có chỗ nghỉ ngơi, có nơi trang nghiêm như ở khu lăng đăng đối và nhiều kiến trúc bất ngờ quá cỡ như hai trụ biểu tòa Bi đình với tấm bia cao nhất nước (cao 4m, rộng 2m, dày 0m5); còn bên khu tẩm thờ vẫn tôn kính song thoải mái, đủ nhà thờ, nhà hát, nhà làm việc, nhà ăn, các nhà phục vụ, có sân cảnh, vườn nuôi hươu.
Các lăng tẩm Huế đểu ở trên gò đồi, nhưng vẫn bám sát sông Hương, tiện cho đám rước xưa mà cả nay du khách đi bằng đường thủy hay bộ đều được. Khác với cung điện trong hoành thành không có bóng thông, trùm lên các lăng mộ là đại ngàn thông nhô thẳng, vươn cao, quanh năm xanh tốt và rì rào như dẫn đường cho sự siêu thoát, như gợi nhớ tưởng niệm, như chuyện trò về quá khứ...