MENU

Fun & Interesting

Nhà thờ Hạnh Thông Tây di sản của gia tộc giàu nhất Sài Gòn

BIEN HOA ENGRAVING 5,060 lượt xem 2 years ago
Video Not Working? Fix It Now

Nhà thờ Hạnh Thông Tây là một nhà thờ Công giáo ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Nhà thờ tọa lạc tại số 53/7 đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Họ đạo Hạnh Thông Tây được giám mục Puginier thành lập năm 1861. Thời đầu, có gia đình ông Đốc phủ Ca và một vài người giàu có trong làng Hạnh Thông Tây xin gia nhập đạo. Dần dần, khoảng 400 người ngoại giáo có của cải và nhà cửa trong làng đến xin học đạo. Vì nơi đây là khu vực ngoại thành, dân cư chủ yếu là người nghèo nên họ đạo chưa có nơi tụ họp, giảng dạy. Sau này, một số người khá giả trong làng đã hiến tặng ngôi đình của họ mà dựng lên ngôi nhà nguyện đầu tiên của họ đạo Hạnh Thông Tây. Trong khoảng một thời gian dài cuối thế kỷ 19, nhà thờ không có linh mục ở cùng giáo dân nên số lượng giáo dân bị giảm dần. Khi cha Phêrô Nguyễn Phước Chính được bổ nhiệm làm Cha sở đầu tiên vào năm 1898, họ đạo Hạnh Thông Tây chỉ có một miếng đất, chung quanh là nơi cho các bổn đạo ở. Cha Phêrô Chính đã xin phép các quan chức địa phương cho xây cất nhà thờ mới trên mảnh đất này đồng thời xây cất nhà xứ và trường học xung quanh. Năm 1921, thời linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức làm Cha sở, nhà thờ Hạnh Thông Tây mới được xây dựng trên ba thửa đất rộng 2,1 mẫu của ông Giuse Hồ Văn Chua hiến cho nhà thờ trước đó. Toàn bộ chi phí xây cất đều được vợ chồng ông Denis Lê Phát An tự nguyện đóng góp. Ban đầu tháp chuông có hình tháp nhọn, nhưng vì đây là vùng có nhiều máy bay quân sự bay qua nên cơ sở Hàng không Đông Dương đã xin cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây theo văn thư đề ngày 29/10/1953. Từ đó, tháp chuông có hình vuông như hiện nay. Năm 2010, giáo xứ khánh thành Nhà sinh hoạt Phụng vụ - Giáo lý (còn gọi là Nhà thờ phụ) ngay bên cạnh nhà thờ chính để phục vụ cho việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em và các mục đích công vụ khác. Ngày 24 tháng 9 năm 2020, Đức cha Giuse Nguyễn Năng - Tổng Giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh cùng với toàn thể giáo dân trong giáo xứ đã làm lễ Khánh thành Nhà sinh hoạt giáo lý và mục vụ giáo xứ Hạnh Thông Tây. Nhà thờ được ông Lê Phát An giao cho nhà thầu Baader thiết kế và thi công. Tuy nhiên sau một thời gian thi công, ông Denis Lê Phát An hủy hợp đồng cũ với nhà thầu Baader và hợp tác với nhà thầu Lamorte để tiếp tục công trình cho đến khi hoàn thành. Thay vì kiểu kiến trúc Romanesque và kiến trúc Gothic khá phổ biến như nhiều nhà thờ khác, nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine ở châu Âu. Nguyên mẫu của nhà thờ chính là Vương cung thánh đường Thánh Vitale ở thành phố Ravenna, Italia. Nhà thờ có chiều dài 40 mét, chiều rộng 14 mét, trần cao 16 mét, chiều cao vòm 20 mét. Ban đầu tháp chuông có hình tháp nhọn cao 30 mét nhưng từ năm 1952 giảm xuống còn 19,5 mét vì lý do an ninh hàng không. Trần nhà thờ có hình vòm cung, phết nhũ vàng. Trên cùng là tranh khảm theo phong cách Byzantine mô tả cảnh Chúa Giêsu đang hấp hối trên Thập Giá. Trần nhà thờ còn có tranh ghép đá mosaic có hình của các vị thánh khác như: thánh Antôn thành Padova, các thánh nữ là thánh Anna, thánh Maria Mađalêna, thánh Veronica, thánh Lucia, thánh Cecilia, thánh Agnes, thánh Claira, thánh Gioanna xứ Arc,... Do thánh bổn mạng của nhà thờ vốn là thánh Giuse, còn ông Lê Phát An có thánh quan thầy là thánh Denis, nên giáo xứ đã quyết định xây thêm tượng thánh Denis ở ngay trước nhà thờ, phía trên cửa vào để tỏ lòng biết ơn đối với ông. Ngày trước, việc an táng các vị ân nhân trong nhà thờ hàm ý cộng đoàn biết ơn vị ấy nên không ai ngạc nhiên khi thấy bên cánh trái nhà thờ là mộ phần Ông Denis Lê Phát An, người dâng cúng đất, toàn bộ chi phí xây dựng và đồ dùng trong Thánh đường. (ông Denis Lê Phát An là con ông Lê Phát Sĩ, tức Huyện Sĩ, là cháu chắt của Thánh tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm). Bên cánh phải là mộ phần của người vợ: Bà Anna Trần Thị Thơ. Cả hai mộ đều làm bằng đá cẩm thạch Ý, điêu khắc rất kỳ công.
Các vị chủ chăn quan tâm đặc biệt việc xây dựng đời sống đức tin cho mỗi người trong họ đạo. Nhất là Cha Clementê Lê Minh Trung khi về Hạnh Thông Tây đã đặt Mình Thánh Chúa hàng ngày từ sau lễ sáng đến 16g cho mọi người Chầu; tổ chức giờ kinh Lòng Thương xót Chúa mỗi ngày vào lúc 15g; mở các lớp Giáo lý cho người lớn, giới trẻ và thiếu nhi…
Chung tay cộng tác với các vị chủ chăn có Hội đồng Mục vụ Giáo xứ:
Hiện nay Hội đồng Mục vụ Giáo xứ gồm:
• Ban Thường vụ (7 vị)
• 10 giáo khu: Đức Mẹ vô nhiễm, Đức Mẹ Fatima; Đức Mẹ Hằng cứu giúp, Đức Mẹ Lavang; Đức Mẹ Hồn xác lên Trời; Nữ vương Hoà Bình; Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu; Đức Mẹ Lộ Đức; Đức Mẹ Môi Khôi; Nữ vương các Thánh Tử Đạo.
• Các hội đoàn: Thiếu nhi Thánh Thể (gần 1000 em đang theo học giáo lý); Hội các bà Mẹ Công giáo, Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Legio-Mariæ , Huynh đoàn Đaminh, Dòng Ba Cát Minh, Thánh kinh cầu nguyện, Hội Bác ái Vinh Sơn, Hội Martinô (chăm sóc bệnh nhân); Hội Mátta (chăm sóc nhà Chúa); Gia đình Tận hiến Đức Mẹ, Thừa tác viên Thánh Thể, các ban: Ban Phụng vụ, Ban Giáo lý, Ban Trật tự, Ban cây xanh.

Comment