Cà ròn là cái túi được đan bằng cọng bàng, hay còn gọi là giỏ đệm, là phương ngữ có xuất xứ từ người Khmer. Truyện ngắn nói về việc đi buôn cà ròn của ông Bang là người gốc Hoa, cũng như miêu tả sơ nét về công việc đi cắt cọng bàng để đươn (đan) cà ròn của đồng bào Khmer, từ đó khái quát lên mối quan hệ, các nét đặc trưng của mỗi đồng bào và sự phân chia tầng lớp lao động cũng như sự lựa chọn các hình thức kinh doanh sản xuất riêng của từng dân tộc trong khoảng đầu thế kỉ 20.
Như ông Bang đại diện cho tầng lớp dân tộc Hoa sẽ chuộng hình thức tích trữ mua bán sinh lời, chị Sa Đơn hoặc ông Lanh đại diện cho tầng lớp phổ thông người Khmer chuộng các công việc lao động chân tay đơn giản, không cần tính toán nhiều, đặc biệt là Tư Én có thể xem là biểu trưng cho đặc tính vô tư của tầng lớp lao động phổ thông đương thời, kiếm cơm đủ bữa, dư được nhiêu sẽ nuông chiều bản thân qua bộ bài chung rượu.
Truyện tuy ngắn nhưng phần nào đã khái quát được hình ảnh của các đồng bào dân tộc miền Tây Nam bộ khoảng đầu thế kỉ trước, cũng như các nét sinh hoạt, lối tư duy đặc trưng của từng dân tộc.
Mời quý thính giả cùng nghe để hiểu hơn về một nét văn hoá đặc sắc đang bị xâm lấn và ngày càng mai một đi trong xã hội hiện đại.