Đền Vua Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Đền toạ lạc ở xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh. Đền Vua Đinh cùng với đền Vua Lê được xếp hạng "Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam". Cũng như các di tích khác thuộc cố đô Hoa Lư, đền Vua Đinh nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014.
Đền Vua Lê Đại Hành là một di tích lịch sử văn hóa thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh, ngoài ra còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng. Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét, thuộc thành Đông kinh đô Hoa Lư xưa, nay là làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên, Ninh Bình.
Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích thờ Lê Hoàn nhất với 13 nơi thờ tự nằm ở nửa phía nam của tỉnh trong khi các đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng nằm ở nửa phía bắc tỉnh này. Ninh Bình là vùng đất kinh đô của đất nước dưới thời Lê Hoàn, các đền thờ tập trung nhiều ở quanh khu di tích cố đô Hoa Lư như đình Yên Thành (xã Trường Yên), đền Trung Trữ (xã Ninh Giang, Hoa Lư) và các ngôi đền ở phía nam tỉnh thường gắn với những tuyến đường thủy mà nhà vua đi qua khi đánh dẹp Chiêm Thành như đền Đồng Bến (thành phố Ninh Bình), đền Yên Lâm (Lai Thành, Kim Sơn); đền Ngọc Lâm xã Yên Lâm; đền Từ Đường và đền Quảng Công xã Yên Thái; đền Vua Lê Đại Hành xã Yên Thắng (Yên Mô)... Vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư, các đền này và các di tích thờ danh nhân thời Tiền Lê trong khu vực đều tham gia lễ rước kiệu và chân nhang các danh nhân về đền Vua Lê Đại Hành tham gia lễ hội.
#DenvuaDinh #DenvuaLe