Dâng hương tưởng niệm 124 năm ngày mất thân mẫu Bác Hồ
Sáng 20/01/2025 (nhằm ngày 21 tháng chạp giáp Thìn), Sở Văn hóa Thể Thao Thành phố Huế và Chính quyền 2 quận Thuận Hóa và Phú Xuân đã tham dự lễ dâng hương, tưởng niệm 123 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan (1901-2025) – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức Nhà bia tưởng niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan ở núi Bân (phường An Tây, Quận Thuận Hóa, thành phố Huế).
Tham dự có đồng chí Phan Thiên Định - Ủy viên Thường vụ Thành ủy Huế, Bí thư Quận ủy quận Thuận Hóa; Phan Thanh Hải,Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Huế; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo, đại diện các cơ quan, ban ngành thành phố và 2 quận Thuận Hóa và Phú Xuân, các địa phương có di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại diện các phòng và đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; các bảo tàng trên địa bàn; các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã lần lượt dâng hương, hoa lên người mẹ hiền đã nuôi dưỡng, kết tinh nên tâm hồn và đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã điểm lại tiểu sử cũng như những năm tháng bà Hoàng Thị Loan sống tại Huế.
Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là xóm Trù 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), trong một gia đình nhà nho hiếu học.
Từ thuở nhỏ bà đã được chăm sóc, dạy dỗ ân cần từ thân sinh Hoàng Xuân Đường và thân mẫu Nguyễn Thị Kép. Bà ảnh hưởng sâu sắc những đặc tính: thương người, giàu lòng nhân ái, trọng nghĩa thủy chung; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của hai dòng họ, hai gia đình nội ngoại; là người chịu khó học hỏi, tự trang bị cho mình vốn văn hóa sâu sắc.
Để giúp chồng ăn học, năm 1895, bà cùng chồng (ông Nguyễn Sinh Sắc) và hai con vượt chặng đường thiên lý vào Kinh đô Huế, lấy nghề dệt vải làm kế mưu sinh.
Năm Canh Tý (1900), Bà Hoàng Thị Loan sinh thêm cậu Nguyễn Sinh Xin trong hoàn cảnh thiếu thốn vất vả và trong lúc chồng đi coi kỳ thi Hương ở tỉnh Thanh Hóa. Bà lâm bệnh nặng, mặc dù được người con Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng bà con lối xóm tận tình thuốc thang, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe quá yếu, bà trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901).
Theo đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuộc đời bà Hoàng Thị Loan là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, sự hi sinh to lớn, lòng nhân ái bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Đức tính hiếu thảo, đảm đang, chung thủy, giản dị, chân thật...của bà đã tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách cao thượng, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm thương dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2023, thực hiện đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án chỉnh trang, mở rộng cảnh quan thêm 700m2, xây dựng đường đi dạo, địa điểm nghỉ chân, trồng thêm các loại cây hoa phù hợp…
Sau khi dâng hương tưởng niệm tại núi Bân, đã diễn ra Lễ giỗ truyền thống tại Ngôi nhà Thành nội - Di tích đặc biệt lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đường Mai Thúc Loan - ngôi nhà đầu tiên thời thơ ấu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình đã từng sinh sống lao động và học tập trên đất Huế. Chính tại ngôi nhà này, ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (1901), Bà Hoàng Thị Loan đã mãi mãi ra đi. Ngôi nhà trở thành nơi ghi dấu những kỷ niệm về hình ảnh người mẹ hiền hết mực thương yêu chồng con, ghi dấu tình thương yêu, sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con lao động nghèo xứ Huế đối với gia đình Người trong gian khó. Nghĩa tình sâu nặng đó chính là những giá trị đích thực để hình thành nên nhân cách, đạo đức, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người suốt đời phấn đấu hi sinh vì lý tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Ngôi nhà Thành nội đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1993, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là 1 trong 4 di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2020, di tích quan trọng trong hệ thống di tích và địa điểm di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, di sản văn hóa về Người mà đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị.
Trong không gian thiêng liêng của di tích lưu niệm về Người ở Huế, quý vị đại biểu đã dâng nén hương thơm, thành kính dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Bà. Tròn 124 năm ngày Bà đi xa, Lễ giỗ là việc làm ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn người đã sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
#Phuxuanngaynay #GiobaHoangThiLoan #ThoisuPhuXuan