Ở Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những cách xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức công năng khác nhau, nó đặc trưng cho nền văn hóa, khí hậu, địa hình, thói quen canh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Với người Việt cư trú ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cách sắp xếp, bài trí không gian sống trong ngôi nhà có những nét riêng biệt, hài hòa với thiên nhiên. Nhà thường được làm với kết cấu ba gian hai trái, đối với những nhà khá giả thì có thể nhiều hơn và nguyên vật liệu làm khung nhà được chọn có thể là những cây gỗ tốt hơn. Chất liệu lợp mái tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà có thể là ngói hoặc tranh. Khuôn viên nhà cũng được thiết kế một cách rất thân thiện với tự nhiên, như qua cổng sẽ đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, khu vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh, bên ngoài bao bọc bởi lũy tre làng… Người Việt rất coi trọng việc làm nhà bởi có “an cư” mới có thể “lạc nghiệp”. Dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết về vùng đất cư ngụ sinh sống, người ta chọn nơi dựng nhà sao cho thuận lợi để tận dụng giá trị của đất. Ông cha ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình từ chọn đất, chọn hướng đến xây dựng nhà ở, ví dụ: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam”. Để hiểu rõ hơn về cách làm nhà của người dân cư trú ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa Lalago sẽ đưa khán giả đến với những thông tin rất thú vị trên con đường tìm về với những nếp nhà xưa.
#nhà_Việt#đồng_bằng_Bắc_Bộ#nhà_cổ_Đông_Ngạc#nhà_cổ_Đường_Lâm#văn_hóa_truyền_thống